Quy trình, kỹ thuật chăn nuôi gà an toàn theo hướng VietGhap
QUY TRÌNH KỸ THUẬT CHĂN NUÔI GÀ THẢ VƯỜN AN TOÀN SINH HỌC THEO HƯỚNG VIETGAHP
(Dựa trên cơ sở quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi gia cầm an toàn và điều kiện thực tế của địa phương)
I. YÊU CẦU KỸ THUẬT VỀ CHUỒNG NUÔI VÀ BÃI CHĂN THẢ
1.1. Chuồng nuôi
1.1.1. Chọn địa điểm chuồng nuôi
Quy mô chăn nuôi gia đình 1000 đến 4000 con gà, thì chuồng nên chọn ở khu vực có khả năng cách ly với sinh hoạt của gia đình và hàng xóm xung quanh, thuận tiện giao thông để dễ vận chuyển thiết bị, thức ăn, sản phẩm…có nguồn nước hợp vệ sinh và đủ dùng, có nguồn điện đảm bảo thường xuyên, không quá gần chợ, phố xá, cũng như các khu chăn nuôi khác, có hàng rào bao xung quanh trại (chuồng nuôi) để tránh lây lan bệnh tật, đảm bảo an toàn về thú y, tránh tiếng động, tiếng ồn.
1.1.2. Khu chăn nuôi
Nên bố trí khu chăn nuôi gà ở đầu hướng gió. Khu sinh hoạt của gia đình nằm ngoài cổng để tiện cho việc thay quần áo bảo hộ trước khi vào khu chăn nuôi.
- Khu nuôi tân đáo, khu cách ly, nhà chứa phân, khu xử lý chất thải phải đặt cuối hướng gió và xa khu chăn nuôi chính.
- Khu bán gà phải đặt bên ngoài khu chăn nuôi.
1.1.3. Thiết kế chuồng nuôi
- Hướng chuồng: Có ảnh hưởng rất lớn đến tiểu khí hậu chuồng nuôi, nó ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, mức độ tăng trọng và tiêu tốn thức ăn cho gà, đặc biệt gà ở giai đoạn nuôi úm vào mùa đông và khi xuất bán vào mùa hè. Tốt nhất hướng chuồng nên làm theo hướng Đông - Nam
- Khoảng cách giữa các chuồng: Do yêu cầu của nuôi gà chăn thả cần phải có bãi chăn, do vậy khoảng cách giữa các chuồng phải đảm bảo yêu cầu. yêu cầu tối thiểu giữa hai chuồng nuôi cách nhau ít nhất là 2,5 lần độ rộng của mỗi chuồng.
- Các phần chính của chuồng:
+ Nền chuồng: Cao hơn xung quanh, ít nhất là 30 cm, để tránh mưa ngập nước, mặt nền phải nhẵn để tiện quét dọn tẩy uế, tiêu độc (phổ biến nhất là láng xi măng), đồng thời chuồng phải có độ nghiêng nhất định để dễ thoát nước
+ Khung nhà, tường: Khung nhà phải bền vững, chịu được gió bão mạnh. Tường được xây bằng gạch bao xung quang cao 0.5- 0.6 m, phía trên căng lưới mắt cáo (B40) hoặc phên đóng bằng tre hóp để tăng độ thông thoáng, bên ngoài sử dụng rèm che bằng bạt nhựa hoặc nilon có thể che kín hoàn toàn giai đoạn nuôi úm gà con và phòng khi có giông bão.
+ Mái: Không dột nát, bảm đảm che mưa, nắng cho gà. Làm bằng vật liệu tương đối bền vững, cách nhiệt và dễ vệ sinh sát trùng.
1.1.4. Các nhà xưởng khác
+ Khu chăn nuôi chính: Khu nuôi gà con ở đầu hướng gió rồi mới đến khu gà sinh trưởng và vỗ béo. Nên có hàng rào phân cách giữa các khu chăn nuôi.
+ Khu nuôi tân đáo: Cách biệt với khu chăn nuôI chính. Gà con nhận từ nơi khác về phải nuôi cách lý để theo dõi tình hình sức khỏe, bệnh tật trước khi nhập vào trại.
+ Kho thức ăn: Yêu cầu của kho phải thoả mãn sức chứa thức ăn theo số gà của trại ít nhất một tuần, kho thức ăn có nền xi măng, có độ thông thoáng tốt, chống nóng ẩm, côn trùng, chuột bọ. Trong kho, thức ăn được đặt trên các giá (kệ) bằng gỗ hoặc bằng thép, cao cách mặt đất 10cm, cách tường ít nhất 20cm. Khi xếp thức ăn cần xếp theo cột, chiều cao cột vừa phảI thuận tiện cho việc lấy và phòng cháy chữa cháy.
+ Hố huỷ xác: Là nơi xử lý gà chết, gà mổ khám. Hố huỷ xác bố trí ở cuối hướng gió, cách xa khu nuôi gà, nguồn nước, hố đào sâu 2m, xây hoặc thả cống cuốn xung quanh, trên có nắp đậy bằng bê tông, có nắp phụ nhỏ ở giữa, thuận lợi cho việc đóng mở. Xác gà chết và gà mổ khám được thả xuống hố huỷ cùng với vôi bột và luôn đặy nắp kín. Nên có lò thiêu xác gà, hiện đại hoặc thô sơ tùy thuộc vào điều kiện từng hộ gia đình.
+ Khu xử lý chất thải: ở phía cuối nơi có địa thế thấp nhất của trại chăn nuôi. Nhà ủ phân có nền cao ủ theo nguyên lý nhiệt sinh học.
+ Khu bán gà phải đặt bên ngoài trại
+ Kho (tủ) thuốc thú y và thuốc sát trùng: Phải đảm bảo thông thoáng không bị dột, tạt nước khi mưa gió. Phải luôn giữ sạch sẽ, phải có sơ đồ vị trí để các loại thuốc và ghi chép theo dõi xuất nhập thuốc .
1.2. Bãi chăn thả
- Yêu cầu diện tích bãi chăn thả là tối thiểu 3m2/gà, nên chia bãi chăn thành nhiều khu để chăn thả luân phiên và tẩy uế sát trùng được thuân tiện. Bãi chăn bố trí chạy dọc theo chiều dài chuồng nuôi, sao cho khoảng cách từ chuồng đến hàng rào không quá xa, gà dễ ra vào (đặc biệt khi gặp thời tiết xấu). Bãi chăn cũng ngăn tương ứng với chuồng, tránh gà của ô chuồng này lẫn sang ô chuồng khác khi chăn thả.
- Bao xung quanh bãi chăn nên sử dụng lưới mắt cáo hoặc rào bằng phên tre, hóp…sao cho thông thoáng nhưng chắc chắn, chống người, thú hoang hoặc thú nuôi xâm nhập và gà không thể vượt qua.
- Bãi chăn thả phải san lấp bằng phẳng, dễ thoát nước, không có bãi nước tù đọng, không có rác bẩn vật lạ ở trong bãi chăn, định kỳ thu dọn lông gà rơi vãi ở bãi chăn.
- Trong bãi chăn nên có bóng mát (bóng cây) diện tích che phủ từ 1/3- 1/2 diện tích bãi chăn thả, bố trí máng ăn (chú ý tránh mưa ướt) và máng uống cho gà trong thời gian chăn thả, nên bố trí so le nhằm kích thích gà vận động.
II. DỤNG CỤ VÀ TRANG THIẾT BỊ CHĂN NUÔI
2.1. Dụng cụ cho uống
- Yêu cầu chung của máng uống: Bền, chịu được cọ rửa thường xuyên, vững vàng, giữ vệ sinh, chống được gà làm bẩn nước, làm ướt lông hay làm rơi rớt ra đệm lót, đủ nước uống cho gà 24 giờ. Với quy mô chăn nuôi lớn và trong điều kiện thời tiết ở phía Bắc Việt Nam, gà nuôi ở chuồng thông thoáng tự nhiên nên sử dụng 2 loại máng uống sau:
+ Máng uống tròn đổ tay (1- 1,5 lít/máng), loại này dùng cho gà con hai tuần đầu, yêu cầu mật độ 50 gà/máng.
+ Máng uống tròn tự động: Loại này dùng cho gà sau hai tuần tuổi đến khi xuất bán, yêu cầu mật độ 1 cm/gà (mùa đông) đến 1,5 cm/gà (mùa hè), vì vậy các máng uống tròn tự động hiện nay có chu vi vành ngoài khoảng 100cm thì sử dụng được cho 100 gà mùa đông và 70 gà mùa hè.
- Điều chỉnh máng uống: Giai đoạn 1- 14 ngày đặt trực tiếp máng nước xuống nền chuồng, mực nước là 2/3 vành máng. Giai đoạn sau 14 ngày, thường xuyên điều chỉnh gờ miệng máng ngang lưng và mực nước là 1/3 chiều cao vành máng.
2.2. Dụng cụ cho ăn
- Yêu cầu của dụng cụ cho ăn: Làm giảm thấp nhất sự rơi vãi thức ăn, gà dễ nhận biết và lấy được thức ăn đặc biệt giai đoạn gà con, máng dễ cọ phân dính, dễ cọ rửa, Vì vậy dụng cụ cho ăn thường làm bằng kim loại (tôn hoa, nhôm) hoặc nhựa Plastic.
- Khay ăn sử dụng cho gà giai đoạn 1- 14 ngày tuổi có thể dùng khay nhựa tròn chu vi 125 cm (50 gà/ khay) hoặc sử dụng khay kim loại kích thước
60cm x 70cm x 30cm (100gà/khay)
- Máng tròn, treo dây: hiện nay phổ biến là loại máng ăn tròn làm bằng nhựa Plastic, có chu vi vành ngoài khoảng 150cm, định mức 2cm /gà thì một máng dùng cho 70 gà, cũng có thể sử dụng máng ăn dài có chân đế đặt trực tiếp xuống nền chuồng và điều chỉnh độ cao máng thông qua giá đỡ, định mức là 5cm/ gà/1 cạnh máng.
2.3. Chụp sưởi
- Yêu cầu: Chụp sưởi cần thiết cho gà con giai đoạn nuôi úm (đặc biệt vào mùa đông), chụp sưởi phải cung cấp nhiệt theo yêu cầu, nhưng phải sử dụng an toàn cho người và gà.
- Nguồn cung cấp nhiệt hiện nay thường dùng là chụp sưởi bóng điện tròn, bóng hồng ngoại, chụp sưởi ga, bếp than, trấu, củi
- Chụp thường đặt giữa quây gà, cách nền tùy theo từng loại chụp sưởi và nhiệt độ ngày tuổi.
2.4. Quây gà
Quây gà cần thiết cho giai đoạn úm gà con, quây tạo điều kiện giữ gà dưới chụp sưởi để gà ấm áp và ăn uống được nhiều hơn. Quây gà có thể sử dụng cót, cóp ép độ cao 0,45 cm, quây có đường kính 2,5- 3m và sẽ sử dụng cho 300- 500 gà.
2.5. Chiếu sáng
Yêu cầu chiếu sáng: Thời gian và cường độ chiếu sáng phải phù hợp. Cường độ chiếu sáng cho gà thịt có nguyên tắc chung là giảm dần theo tuổi. bóng điện treo cách nền 2m, bóng thường xuyên được lau chùi sạch và có thiết bị bảo vệ chống vỡ
III. VỆ SINH SÁT TRÙNG VÀ CHUẨN BỊ CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ NHẬN GÀ CON VÀO CHUỒNG NUÔI
3.1. Vệ sinh sát trùng
* Chuồng nuôi
+ Dọn và chuyển toàn bộ phân lẫn chất độn chuồng ra nơi quy định để xử lý(ủ với vôi bột)
+ Quét sạch bụi, mạng nhện ở trần, tường, bạt, máng ăn, máng uống và các thiết bị khác
+ Dùng vòi nước áp suất nước lớn để cọ rửa sạch phân, vết bẩn ở nền, trần, tường máng ăn, máng uống (không dùng nước ở ao nhiễm khuẫn để rửa chuồng). Các chất bẩn bám lâu ngày có thể ngâm vài ngày trước khi rửa. Có thể dùng xà phòng trong quá trình rửa nhưng sau đó phải rửa hết xà phòng bằng nước sạch.
+ Rèm che, quây gà được giặt, cọ rửa sạch, phơi nắng cho khô và phun sát trùng bằng dung dịch Chloramin B hoặc Cloramin T 0.5%, phun kỹ, ướt đều cả hai mặt. Nền chuồng, hành lang, lối đi lại, được quét vôi kỹ, nồng độ Ca(OH)2 là 20%, mọi sửa chữa chuồng trại, trang thiết bị được thực hiện trong thời gian này, sau một ngày sử dụng Chloramin 0,5%, phun kỹ với lượng 1 lít/m2. Kéo kín rèm che, đóng kín cửa, chèn các lỗ cống thoát nước, tránh mọi hoạt động đi lại của người và động vật trong khu chuồng nuôi,
Cần tổng vệ sinh sát trùng chuồng trại sau mối lứa nuôi và để trống chuồng là 14 ngày mới nuôi lứa khác để cắt đứt các loại mầm bệnh, trước khi cho gà vào chuồng 3 ngày, tiến hành sát trùng lần cuối chuồng nuôi bằng dung dịch Dinalon (Indonesia) pha 15 ml dung dịch gốc vào 10 lít nước, phun với lượng 0,5- 1 lít/m2.
+ Trước cửa trại, trước mỗi dãy chuồng, ô chuồng đều phải có khay sát trùng, có thể dùng vôi bột hoặc Crezin 3% hoặc hố máng nước sát trùng pha Chloramin 0,5%. Dụng cụ cho ăn, cho uống, sau khi cọ rửa thì sẽ ngâm ngập trong bể nước có dung dịch Chloramin B 0,5% trong 2- 3 giờ, khi vớt ra tráng lại bằng nước sạch, rồi phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
* Khu vực kho thức ăn
Khu vực kho thức ăn cần được xông sát trùng 6 tháng 1 lần, xông lúc không có thức ăn để tránh nhiễm hóa chất vào thức ăn.
* Quần áo và ủng của người chăn nuôi
+ Quần áo phải được giặt sạch vào cuối mỗi ngày làm việc.
+ ủng phải rửa sạch bằng xà phòng và nước để loại bỏ chất bẩn,sau đó khử trùng bằng chất sát trùng.
3.2. Chuẩn bị các điều kiện để nhận gà con vào chuồng nuôi
Cần phải chuẩn bị chu đáo mọi vấn đề liên quan đến kĩ thuật trước khi nhận gà vào chuồng nuôi. Cụ thể:
- Giống gia cầm phải được mua từ những cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh và được cơ quan thú y có thẩm quyền cấp giấy phép kiểm dịch.
- Mười ngày trước khi đưa gà vào chuồng phải chuẩn bị đầy đủ các hệ thống điện nước, trang thiết bị và dụng cụ cần thiết trong chăn nuôi.
- Phải có thời gian để sưởi nóng tường, nền và lớp độn chuồng nếu nhận gà vào mùa đông.
- Sắp xếp máng ăn, máng uống theo hàng và khoảng cách đều đặn với số lượng đầy đủ. Trước khi cho gà vào chuồng, nước uống đã chuẩn bị sẵn trong máng. Tuyệt đối không chuẩn bị sau khi đưa gà vào chuồng.
- Cần lưu ý: Gia cầm mới nhập về phải nuôi cách xa đàn gia cầm đang nuôi khoảng 10- 15 ngày khi thấy gia cầm khỏe mạnh thì mới thả vào đàn gia cầm nhà
IV. KỸ THUẬT CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG
1/ Giai đoạn gà con:
* Chọn gà giống lúc 01 ngày tuổi
Chọn những con gà lông bông, bụng thon nhẹ rốn kín, mắt to tròn sáng và nhanh nhẹn, chân bóng cứng cáp không dị tật, mỏ khép kín, khối lượng đảm bảo theo tiêu chuẩn giống.
* Quây úm
- úm trên lồng:
+ Kích cỡ lồng: 1m x 2m x 0,9m (kể cả chân đáy 0,4m) để úm 100 gà con.
+ Đáy lồng làm bằng sắt ô vuông 1 x1cm, xung quanh chuồng dùng lưới sắt mắt cáo và nẹp tre gỗ để bao
- úm trên nền:
+ Nền chuồng được lót bằng vật liệu lót nền như: trấu, vỏ bao dày khoảng 3-5mm. Nếu nuôi gà trên sàn thì lót nilon hoặc vỏ bao trước khi rải vật liệu lót nền nhằm tạo đủ độ ấm cho gà. Quây úm nên cao khoảng 45-50 cm, mỗi quây úm có đường kính 1,5-2m thì nuôi được 120 - 200 con. Trước khi thả gà con vào nuôi cần phải chuẩn bị đầy đủ máng (có thức ăn) và máng nước uống, xếp đều đặn trong chuồng nuôi. Máng nước kê cao một chút, bằng gạch hoặc bằng gỗ có kích thước 3cm x 15cm x 15cm để đề phòng gà con nghịch nước làm ướt nền hoặc vật liệu lót nền rơi vào làm bẩn nước. Đối với chụp úm sử dụng khí đốt nên treo cao chụp ở độ cao 1,0 -1,2m. Nếu chụp úm sử dụng bóng điện nên treo cao ở khoảng cách thích hợp tuỳ thuộc vào nhiệt độ phía trong lồng úm gà.
Trong thời gian úm phải che rèm cả 4 phía, để phòng gió lùa và giữ nhiệt độ trong chuồng thích hợp. Rèm che phải đảm bảo kín gió, không có kẽ hở. Nếu ban ngày nhiệt độ cao, không bật đèn úm chứ không mở rèm che. Những ngày quá nóng đến mức gà phải há miệng thở thì phải cuộn rèm che lại một phần, song chú ý cuộn rèm từ trên xuống cho gió lưu thông phía trên để tránh gió thổi trực tiếp vào gà con dễ làm cho gà bị cảm lạnh. Từ ngày thứ 5 tăng diện tích vùng quây để gà có thể di chuyển một cách thoải mái đến máng ăn, máng uống.
Mùa nóng có thể bỏ quây từ ngày 14 để gà con tự do chạy khắp chuồng úm, được ăn tự do và sẽ phát triển nhanh.
Gà con rất cần ấm bởi vì nó không tự điều chỉnh thân nhiệt trong hai tuần đầu. Do vậy việc giữ ấm theo nhu cầu cơ thể gà trong các tuần tuổi đầu mới xuống chuồng rất cần thiết. Nếu không đảm bảo đủ nhiệt độ, tỷ lệ nuôi sống và khả năng sinh trưởng sẽ bị ảnh hưởng, các bệnh đường hô hấp, tiêu hoá dễ phát sinh.
* Yêu cầu nhiệt độ chuồng nuôi:
Ngày tuổi Nhiệt độ trong quây (0C) Nhiệt độ trong chuồng (0C) Độ ẩm tương đối (%)
1- 3 31- 32 27- 30
4- 7 30- 31 27- 30
8- 14 29- 30 26- 28 60- 70
15- 21 26- 28 24- 26
22- 28 24- 26 22- 24
> 28 23- 24 20- 22
Thiết bị sưởi ấm: Có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại, bếp than, lò ủ trấu…
Dụng cụ sưởi treo giữa quây trong ô chuồng, đặt cao hay thấp tuỳ thuộc vào yêu cầu nhiệt độ cụ thể.
Trong quá trình nuôi, quan sát phản ứng của đàn gà đối với nhiệt độ:
+ Nếu đàn gà tập chung gần nguồn nhiệt, chen lấn, chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ, gà bị lạnh.
+ Nếu đàn gà tản xa nguồn nhiệt, nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị nóng quá, cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.
+ Nếu gà con tụm lại một chỗ là bị gió lùa, rất nguy hiểm cần phải che kín hướng gió thổi.
+ Khi nhiệt độ trong quây thích hợp gà vận động, ăn uống bình thường, ngủ nghỉ tản đều.
- Ẩm độ - Thời gian chiếu sáng cho gà
Tuần tuổi Ẩm độ chuồn nuôi Thời gian chiếu sáng
Tuần 1 65% - 75% 24h/ ngày
Tuần 2 65% - 75% 20h/ ngày
Tuần 3 65% - 75% 18h/ ngày
Tuần > 4 60% - 75% 10-16h/ ngày
- Chiếu sáng suốt đêm cho gà trong 2 - 3 tuần đầu để bảo đảm ánh sáng, điều chỉnh nhiệt độ, chống chuột, mèo ăn gà con , cho gà uống nước đầy đủ để bảo đảm nhu cầu phát triển cơ thể.
* Mật độ
Tùy thuộc vào điều kiện chuồng nuôi, mùa vụ, khí hậu mà quyết định mật độ chuồng nuôi. Trong điều kiện tất cả các yếu tố khác là thích hợp thì mật độ càng thấp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỉ lệ nhiễm bệnh càng thấp.
Mật độ nuôi: + Nuôi nền sử dụng chất độn: 15 -35 con/m2
+ Nuôi trên sàn: 20 - 40 con/m2
*Máng ăn:
Đảm bảo đầy đủ máng ăn để gà không chen lấn và ăn được đồng đều. Trong 2- 3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn hoặc bằng nhựa với kích thước 3 x 50 x 80 cm cho 100 gà con.
Cần cho gà ăn nhiều lần trong ngày, lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gà. Mỗi lần cho ăn cần loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng để tận dụng cám cũ.
Sau 3 tuần nên thay khay ăn bằng máng dài hoặc máng P50 cho hợp vệ sinh.
Khi dùng máng treo cần phải thường xuyên điều chỉnh độ cao của gà được ăn một cách thoải mái và tránh thức ăn bị rơi vãi.
Máng ăn cần thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ.
* Thức ăn cho gà:
+ Ngày đầu tiên chỉ cho gà ăn tấm hoặc ngô nghiền nhuyễn.
+ Cho ăn nhiều lần trong 1 ngày, đặc biệt trong tuần đầu tiên nên cho ăn ít nhất 6 - 8 lần và mỗi lần nên cho ăn một ít để đảm bảo thức ăn luôn mới, tươi thơm, hấp dẫn gà ăn nhiều hơn. Mỗi lần bổ sung thức ăn cho gà nên làm vệ sinh khay ăn. Đối với thức ăn cũ còn thừa sử dụng sàng để loại phân và trấu ra ngoài.
+ Trong tuần thứ 2, giảm số lần cho ăn xuống còn 4 - 5 lần trong một ngày và dần thay thế khay ăn của gà con bằng máng ăn cho gà lớn.
* Nước uống: Cần cho gà uống nước sạch (nước giếng khoan, giếng đào hoặc giếng nông) phải đạt tiêu chuẩn. Tốt nhất là nước đun sôi để nguội.
Sử dụng chụp nước uống tự động bằng nhựa chứa 3,5 lít nước cho 100 con.
Vị trí đặt chụp nước có khoảng cách thích hợp với khay ăn để thuận tiện cho gà ăn uống. Hàng ngày thay nước 2- 3lần, để nước không bị ôi khi thức ăn lẫn vào.
Ngày đầu mới nhập gà, đầu tiên cho gà uống nước trước, sau 2- 3 giờ mới cho thức ăn. Để tăng sức đề kháng cho gà, trong những ngày đầu pha vào nước 5g đường Gluco+ 1g vitaminC/1 lít nước
2. Giai đoạn gà 22 ngày tuổi – xuất bán.
- Từ tuần thứ 4(đối với mùa hè), tuần thứ 5( đối với mùa đông) thả gà ra vườn. Ngày đầu chỉ thả gà 2 giờ/ ngày cho gà tập làm quen, sau đó đuổi vào chuồng, những buổi sau tăng dần thời gian thả từ 3 giờ đến 4 giờ/ngày như vậy sau khoảng 7-10 ngày là thả gà tự do. Lưu ý những ngày đầu trước khi thả, gà đã được cho ăn, uống đầy đủ trong chuồng. Sau 7-10 ngày khi gà đã quen với môi trường bên ngoài thì bố trí máng ăn, máng uống ở ngoài vườn cho gà ăn.
- Xem xét diện tích vườn, khu vực chăn thả để quyết định lượng gà nuôi. Nếu nuôi chật quá đất chóng dơ bẩn, gà hay ốm yếu. Nên nuôi với mật độ 1 gà/ 3 m2
3. Nuôi dưỡng, chăm sóc
*. Vệ sinh chuồng trại dụng cụ nuôi gà.
- Giai đoạn úm, hàng ngày kiểm tra và dọn rìa xung quanh máng uống chất độn chuồng bị ướt, xới đảo độn lót chuồng và bổ sung thêm lượt độn khô khác. Không thay độn lót chuồng thường xuyên.
- Để đảm bảo cho đàn gà khỏe mạnh, chuồng nuôi, vườn bãi chăn thả phảI thường xuyên vệ sinh sát trùng bằng các loại thuốc sát trùng hoặc vôi bột 15 ngày 1 lần. Tiêm phòng bệnh cho gà theo đúng định kỳ, quy định của thú y.
- Định kỳ xới đảo, bổ sung chat độn chuồng để bảo đảm độ dày cần thiết và làm cho chất độn chuồng luôn khô, tơi xốp
- Máng ăn hàng ngày phải vệ sinh bằng cách cọ rửa, phơi khô hoặc dùng khăn lau sạch màng ăn trước khi đổ thức ăn, tiêu độc khử trùng máng ăn 1 lần/ tuần.
- Máng uống hàng ngày cọ rửa và sát trùng.
- Phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng nuôi 1lần/tuần trong trường hợp khu vực không có dịch bệnh và 3 ngày/lần khi khu vực xung quanh có dịch bệnh.
- Hàng ngày phải thay thuốc sát trùng trong khay để trước cửa ra vào chuồng nuôi.
- Hàng tuần phải phun thuốc sát trùng tiêu độc toàn bộ bãi chăn thả gà.
- Hàng ngày quan sát những biểu hiện bất thường, dấu hiện lâm sàng và triệu chứng điển hình để có biện pháp xử lý kịp thời.
* Lịch phòng bệnh cho gà thịt
Ngày tuổi Vắcxin và thuốc dùng đối với gia cầm
1 VacxinMarek *
1-4 Phòng bệnh đường ruột bằng một trong các kháng sinh sau:
- Octamix ( Amoxycilin + Colistin) 1g/4 – 6 lít nước.
- Doxycycline 20mg/1kg P
Kết hợp cho uống các loại vitamin tổng hợp
5 Nhỏ vắcxin IB-ND Ma5 Clo30, hoặc vắcxin Lasota, lần 1, nhỏ mắt, mũi (phòng bệnh Newcastle và viêm phế quản truyền nhiễm).
7 Chủng đậu lần một
Vắcxin Gumboro lần 1, nhỏ mắt, mũi.
8 - 12 Phòng bệnh đường hô hấp bằng:
Tylosin 1g/1 lít nước hoặc Tiamulin 100mg/1lits nước.
15 Tiêm vắcxin cúm gia cầm lần 1 – Tiêm dưới da cổ.
Bổ sung điện giải hoặc vitamin tổng hợp
14 - 17 Phòng bệnh cầu trùng bằng một trong các loại thuốc sau:
- Cocimax 1g/1- lít nước
- Veppro (amprolium) 1g/lít nước
- Baycox 1g/1 lít nước. Cho uống 2 ngày liên tục
17 Vắcxin Gumboro lần 2, nhỏ mắt mũi
18 Vắcxin IB + ND Ma5 Clo 30 hoặc Lasota, lần 2 nhỏ mắt mũi, cho uống các loại vitamin tổng hợp
24 Vacxin Gumboro lần 3, nhỏ mắt mũi hoặc cho uống
26 - 28 Phòng bệnh cầu trùng bằng một trong các loại thuốc đã nêu ở trên
38 - 40 Vacxin Newcastle hệ I, tiêm dưới da cổ
Bổ sung điện giải hoặc vitamin tổng hợp.
50 - 70 Phòng bệnh cầu trùng ruột non + E.coli bằng một trong các loại thuốc cầu trùng đã nêu ở trên kết hợp với 1 loại khàng sinh tổng hợp
80- 112 Phòng bệnh đường ruột, đường hô hấp bằng:
Tylosin 60 – 80mg/1kgP kết hợp với Doxyciclin 20mg/1kgP, liệu trình 3 – 5 ngày.
Lưu ý: Chỉ tiêm phòng đàn gà khỏe, tiêm vào buổi chiều mát, thời tiết khô ráo
4. Xử lý chất thải
- Với chất thải rắn: Phân gà được thu gom hàng ngày/ định kỳ (tùy theo điều kiện chăn nuôi của từng hộ) đưa vào hệ thống chứa phân tập trung và phải xử lý trong vòng 24 giờ. Dùng các chế phẩm sinh học như EM (vi khuẩn hữu hiệu) để ủ phân, nên ủ cho mục rồi sau đó làm phân bón. Hố ủ phân và nhà chứa phân cần có mái che mưa, che nắng, có tường bao và nền xi măng hay đất sét nện để hạn chế lây nhiễm
+ Thường xuyên phun thuốc sát trùng quanh hố ủ để diệt ruồi muỗi..
+ Nếu trại áp dụng nuôi trọn lứa, không nuôi gối thì phải dọn phân ngay sau khi bán gà càng nhanh càng tốt.
- Với chất thải rắn vô cơ: Kim tiêm, túi nhựa, đồ nhựa... nên được thu gom hàng ngày và mang đến một nơi xử lý riêng.
5. Xử lý gà chết.
- Xử lý gà chết đúng cách là rất quan trọng để tránh nhiễm bệnh.
- Nhặt gà chết hàng ngày, phải được đốt hoặc chôn, hố chôn gà sâu ít nhất 2m xa nguồn nước và chuồng nuôi ít nhất 50m. Rắc vôi lên trên gà chết trước khi lấp hố chôn.
Trong trường hợp đặc biệt như cúm gia cầm thì người chăn nuôi phải tuân thủ tiêu hủy theo quy định của cán bộ thú y.
Đăng nhận xét