Một số bệnh thường gặp và các biện pháp phòng chống trên đàn gà.

0 nhận xét

Một số bệnh thường gặp và các biện pháp phòng chống trên đàn gà.


1. Bệnh cúm gà:
* Nguyên nhân gây bệnh:
Mầm bệnh do 1 loại virus có tên Avian influenza virus, thuộc họ Orthomyxoviridae, giống Influenza virus type A, thuộc nhóm ARN, có vỏ bọc bằng Lipit. Trên vỏ bọc có 2 loại kháng nguyên bề mặt là kháng nguyên H và kháng nguyên N. kháng nguyên H có 16 subtype từ H1 đến H16, kháng nguyên N có 9 subtype N1 - N9. ở Việt Nam virus đang gây bệnh cúm là H5N1.
* Triệu chứng:
Bệnh có 2 thể: 
- Thể bệnh nhẹ (LPAI) gia cầm, thuỷ cầm chỉ xuất hiện triệu chứng xù lông, giảm ăn uống, giảm sản lượng trứng.
- Thể bệnh nặng (HPAI) có tốc độ lây lan rất nhanh. ở nước ta đã xác định được chủng virut gây bệnh là H5N1. Chủng này thường gây bệnh ở thể rất nặng trên gia cầm và thuỷ cầm, các triệu chứng xuất hiện tập trung trên đường hô hấp, mắt, hệ tim mạch và hệ thần kinh do virut xâm nhập và tấn công gây tổn thương các hệ thống kể trên. Trên một cá thể, các triệu chứng thay đổi tuỳ thuộc vào các cơ quan bị tổn thương nhiều hay ít, tuy nhiên trong một đàn gia cầm mắc bệnh có thể quan sát các triệu chứng sau đây:
- Một số con chết rất nhanh trước khi có triệu chứng xuất hiện.
- Cả đàn giảm sự linh hoạt, bỏ ăn, giảm uống nước.
- Gia cầm đẻ có triệu chứng giảm đẻ, trứng bị mỏng vỏ.
- Hắt hơi, ho, khó thở, có âm khò khè lúc thở, một số con há miệng để thở.
- Mắt sưng phù, chảy nước mắt.
- Sau 3 ngày mắc bệnh một số con còn sống sẽ xuất hiện các triệu chứng thần kinh như quẹo cổ, liệt chân, xệ cánh hoặc đi xoay vòng. Tỷ lệ mắc bệnh trong đàn có thể đến 100%, tỷ lệ chết trong một số đàn lên đến 100%.
* Bệnh tích:
Xác chết của gia cầm, thuỷ cầm có các biểu hiện sau đây:
- Đầu, mặt, cổ sưng phù.
- Phù thủng quanh hốc mắt.
- Mào tụ máu có mầu xanh tím.
- Dạ dày cơ, dạ dày tuyến, cơ tim, cơ ngực, túi Fibricius xuất huyết.
- Phổi sung huyết, một vài nơi có xuất huyết.
- Gan, thận, lách, tuyến tuỵ có những điểm hoại tử.
* Phòng bệnh:
Đối với trang trại và vùng chưa có dịch:
- Tăng cường việc sát trùng chuồng trại.
- Tăng cường sức đề kháng cho gia cầm bằng một số vitamin và khoáng chất.
- Sử dụng một số loại kháng sinh phòng chống bệnh đường hô hấp và ngăn chặn sự phụ nhiễm của virut.
Đối với trang trại và khu vực có dịch:
Ngay sau khi tiêu huỷ hoàn toàn gia cầm, thuỷ cầm, cần dọn sạch phân, chất độn chuồng và tiến hành sát trùng chuồng trại. Phun thuốc toàn bộ bề mặt chuồng và khu vực  xung quanh chuồng trại. Các dụng cụ chăn nuôi đều phải rửa sạch và ngâm trong dung dịch thuốc sát trùng đã pha loãng trong một giờ, sau đó phơi khô ngoài ánh nắng mặt trời. Các loại phân, chất độn chuồng, chất phế thải, thức ăn dư thừa đều phải thiêu huỷ hết.
2. Bệnh hen gà (CRD):
Bệnh hen gà còn được coi là một trong các bệnh CRD (Hệ thống các bệnh đường hô hấp).
* Nguyên nhân gây bệnh:
Do vi khuẩn có tên Mycoplasma gây ra.
* Triệu chứng của bệnh:
Gà khó thở, thở khò khè, vẩy mỏ, ăn kém. Phân xanh, phân trắng.
* Phòng bệnh:
- Chăm sóc nuôi dưỡng tốt theo đúng qui trình kỹ thuật trên.
- Vệ sinh tiêu độc chuồng trại, thường xuyên sử dụng thuốc sát trùng 1 - 2 lần một tuần (Ví dụ: Dùng thuốc sát trùng A.C.A, pha thuốc 10ml với 3 - 6 lít nước sạch, phun đều trên bề mặt chuồng nuôi. Có thể phun khi có vật nuôi trong chuồng).
- Dùng một trong các loại thuốc sau để phòng bệnh:
+ Norflox.2000 liều 1g/8 - 10 kg thể trọng. Uống liên tục trong ngày.
+ Anti CRD liều 1g/1 - 2 lít nước. Uống liên tục trong ngày.
* Điều trị bệnh:
 Bước 1: Vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát trùng A.C.A pha với liều 100ml/60 lít nước. Ngày phun một lần.
 Bước 2: 
+ Buổi sáng: Cho uống Norflox.2000. Chai 250 ml dùng cho 1 000 Kg thể trọng gà hay 250 ml/30 lít nước.
+ Buổi chiều: Dùng Anti CRD pha 2g/1 lít nước cho gà uống.
 Bước 3: Dùng Poly. Multivit pha 5g/3 - 5 lít nước.
 Bước 4: Dùng Enzymsubtyl B pha 1 g/1 lít nước.
Trong 1 ngày đều áp dụng cả 4 bước trên.
Liệu trình điều trị 3 - 5 ngày.
3. Bệnh cầu trùng:
* Triệu chứng:
Gà ỉa phân mầu đỏ tươi, lẫn máu, phân sáp, phân mầu nâu cà phê hoặc mầu sôcôla.
* Phòng bệnh:
- Nuôi dưỡng chăm sóc tốt theo đúng quy trình kỹ thuật.
- Vệ sinh tiêu độc chuồng trại, sử dụng thuốc sát trùng 1 - 2 lần 1 tuần, phun đều lên bề mặt chuồng.
- Dùng thuốc phòng cầu trùng như: Anticoccid, Anticoc.LA, HanEba 30% v.v.. theo liều chỉ dẫn ghi trên bao bì.
* Điều trị bệnh:
 Bước 1: Vệ sinh chuồng trại và phun thuốc sát trùng A.C.A pha với liều 100ml/60 lít nước. Ngày phun một lần.
 Bước 2: Dùng thuốc điều trị và thuốc bổ trợ để tăng hiệu quả điều trị.
Dùng kết hợp 2 loại thuốc đặc trị  cầu trùng.
Dùng Poly. Multivit pha 5g/3 - 5 lít nước.
Dùng Hanvit K&C để cầm máu.
Dùng kết hợp với men tiêu hoá sống để khôi phục hệ vi sinh vật đường ruột và kích thích tiêu hoá thức ăn.
Liệu trình điều trị 3 - 5 ngày.
4. Phương pháp điều trị hội trứng ho hen khi chưa xác định được bệnh:
Bước 1:
Dùng vacxin Lasota hoặc H1 để khống chế bệnh Newcastle. 
+ Đối với gà dưới 30 ngày tuổi đã nhỏ 1 -2 lần vacxin Lasota hoặc chưa dùng thì khẩn cấp nhỏ ngay Lasota và lặp lại lần 2 sau 7 - 10 ngày. Tiếp tục sau đó 10 - 15 ngày thì tiến hành tiêm vacxin H1 không phụ thuộc vào lúc đó gà khoẻ hay yếu. 
+ Đối với gà trên 30 ngày tuổi đã dùng 1 - 2 lần vacxin Lasota hoặc đã tiêm vacxin H1 thì tiêm ngay dưới da cánh vacxin H1.
 Bước 2:
Dùng các thuốc đặc trị bệnh hen. Cần nhớ rằng chúng ta đang điều trị bệnh ho hen khi chưa có điều kiện xác định rõ bệnh, hơn nữa trong điều kiện lúc này đàn gà đã được uống hoặc tiêm một số loại thuốc nào đó và gà đã bị bệnh khá lâu, đôi khi bị bội nhiễm và trở nên bệnh ghép phức tạp, buộc chúng ta phải áp dụng và làm theo các biện pháp sau đây:
+ Cách 1: Dùng Anti CRD liên tục trong 4 - 5 ngày.
+ Cách 2: Dùng Tylosin 98% trong 4 - 5 ngày.
Kết hợp dùng một số loại chế phẩm sinh học như vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho gà.
5. Bệnh Gumboro:
- Bệnh thường xảy ra trên gà 1 - 12 tuần tuổi, rõ nhất là giai đoạn 3 - 6 tuần tuổi.
- Tất cả các giống gà đều mắc bệnh, gà nhỏ hơn 3 tuần tuổi mắc bệnh biểu hiện triệu chứng không rõ nhưng sẽ làm suy giảm miễn dịch. Tỷ lệ mắc bệnh là 100%, tỷ lệ chết 10 - 50 % hoặc cao hơn nếu bệnh ghép với các bệnh khác.
* Nguyên nhân: Do virut thuộc họ Birnaviridae, serotype 1.
* Triệu chứng: Thời gian ủ bệnh ngắn 2 - 3 ngày.
- Sau khi nhiễm bệnh gà biểu hiện triệu chứng đầu tiên là cắn mổ vào hậu môn của nhau, giảm ăn, lông xù, lờ đờ, đi run rẩy, giảm cân, phân tiêu chảy mầu trắng, loãng có nhiều chất nhầy sau đó chuyển sang mầu nâu, phân dính đầy xung quanh hậu môn.
* Bệnh tích:
- Xác chết khô, lông xơ xác, chân khô.
- Cơ đùi, cơ ngực, cơ cánh xuất huyết đỏ thành vệt hoặc thâm đen.
- Mổ khám túi Fabricicus sưng to, đỏ, có xuất huyết lấm tấm hoặc cả đám, thận sưng nhạt mầu. Xuất huyết niêm mạc dạ dày tuyến (chỗ tiếp giáp giữa mề và tiền mề), ruột sưng to và có nhiều dịch nhầy bên trong.
- Nếu gà mắc bệnh đến ngày thứ 5, 6, 7 thì túi Fabricicus nhỏ lại, đến ngày thứ 8 thì chỉ nhỏ bằng 1/3 trọng lượng ban đầu.
* Phòng và trị bệnh:
Bệnh do virut nên không có thuốc đặc hiệu để điều trị. Do vậy ta phải phòng bệnh là chính. Phòng bệnh bằng vacxin là chủ yếu ngoài ra dùng một số loại thuốc để phòng bệnh như Antigum, ATGum v.v..
Thường xuyên tăng cường sức đề kháng cho gia cầm bằng các loại vitamin, khoáng chất và chất điện giải.


Đăng nhận xét